Khám phá điều mới mẻ

Hai năm qua, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho các em thiếu nhi, giúp các em có cơ hội thực hành những lý thuyết đã được học và rèn luyện kỹ năng sống. Nơi đây trở thành một địa chỉ quen thuộc cho không chỉ các em nhỏ mà cả phụ huynh trong những ngày hè sôi động.

Đoàn Anh Sang sáng tạo với những quả cầu gai, chú rồng bằng giấy. Ảnh: H.N
Đoàn Anh Sang sáng tạo với những quả cầu gai, chú rồng bằng giấy. Ảnh: H.N

Tập làm “thương gia nhí”

Cái nắng buổi chiều ở Bảo tàng Đà Nẵng ngày chủ nhật 17-6 không làm giảm đi sự hưng phấn khi các bé lỉnh kỉnh xách đồ đạc, chuẩn bị dọn quầy hàng của mình ở khu vực dành cho hội chợ các “thương gia nhí”.

Không cần lời khai mạc hay “cắt băng” rườm rà như các hội chợ của những thương nhân thực sự, ở cái hội chợ bé mọn chỉ có chưa đầy 20 quầy hàng này, không khí trở nên chộn rộn hẳn lên khi tiếng mời chào lẫn với tiếng trao đổi hàng hóa của các bé.

Ở gần đó, dưới những tán cây mát rượi, các bé nhỏ hơn cười khanh khách khi tham gia nhiều trò chơi dân gian như nhảy bao bố, ném bóng, đi gáo dừa, đập trống…

Gian hàng của các bé rất đa dạng, từ đồ chơi đến sách truyện, nước uống, đồ ăn vặt…, là những món đồ phù hợp với lứa tuổi các em. Chưa hết, tất cả những đồ chơi các em mang đến hội chợ là những món các em tự làm, chỉ nhờ mẹ mua dùm nguyên liệu.

Nhóm của các bé Lê Ngọc Hân (lớp 7/1 Trường THCS Trần Quý Cáp) chọn slime (chất nhờn ma quái) làm món đồ tham gia quầy hàng của “thương gia nhí”.

Hân cho biết: “Nhóm em có 4 bạn, bạn nào cũng biết làm slime từ hồi đầu năm lớp 6, giờ là gần một năm rồi. Bọn em tự làm rồi bán ở nhà cho các bạn cùng xóm, hoặc bán trên mạng xã hội. Bạn nào cũng học cách làm, cách chơi trên kênh Youtube. Ở nước ngoài, slime được đưa vô chương trình môn học thủ công, trò chơi này ai chơi cũng được, người lớn, trẻ con, tùy vào sáng tạo của từng người”.

Các em mang đến hội chợ gần 70 hộp slime lớn, nhỏ khác nhau, giá từ 10.000-20.000 đồng/hộp. Đặc biệt, các em còn chuẩn bị những hộp slime nhỏ để làm quà tặng cho những ai mua nhiều và còn cẩn thận ghi sẵn thành phần của món đồ chơi ra giấy cũng như sẵn sàng hướng dẫn cách chơi.

Ở một gian hàng khác, Nguyễn Thị Quỳnh Tiên (lớp 7/4 Trường THCS Nguyễn Huệ) và  Châu Trần Thiên Phương (lớp 5, Trường tiểu học Hùng Vương) diện hai bộ đầm giống nhau. Hai bé là chị em họ, rủ nhau đưa đến hội chợ những món đồ bé xinh như móc khóa, nhẫn, vòng tay kết bằng hạt cườm.

Những món đồ các bé kết ngay tại hội chợ theo chữ cái tiếng Anh, có giá từ 7.000-15.000 đồng. Thiên Phương “bật mí” là hai chị em làm đồ thủ công và bán cho những bạn có nhu cầu trên mạng xã hội được gần một năm nay.

Những “thương gia” hồn nhiên, trong trẻo đến hội chợ lần đầu tiên này xem ra ai cũng có “bề dày” kinh nghiệm tự mình làm đồ chơi và bán cho bạn bè có nhu cầu. Hỏi các con xem số tiền kiếm được để làm gì, thì nhận được một câu trả lời chung là tiền để mua nguyên liệu trở lại, mua đồ dùng học tập và các thứ cần thiết phục vụ việc học.

Em Trần Thị Hoài Thương (sắp tới sẽ học lớp 6 Trường THCS Nguyễn Văn Cừ) cười thật hiền, cho biết lâu nay em thích may vá, đã may rất nhiều áo quần cho búp bê và làm hoa, làm các mẫu thiệp rồi tặng cho cô giáo.

Hoài Thương biết sáng tạo các mẫu hoa thủ công từ năm lớp 3. Lần này, em xin cô bán hàng tạp hóa ở trường những muỗng nhựa ăn sữa chua, nhờ mẹ mua sơn rồi xịt lên và gắn thành những bông hoa đủ màu sắc, cắt thêm lá từ giấy xốp rồi cắm thành những giỏ hoa bé xinh.

Trong khi các cô gái mang đến hội chợ “thương gia nhí” những đồ chơi phù hợp với con gái, thì các chàng trai thể hiện cá tính mạnh mẽ qua gian hàng đậm “chất” của con trai. Đoàn Anh Sang (lớp 5 Trường tiểu học Nguyễn Phan Vinh) thu hút ánh nhìn của nhiều khách hàng khi em thể hiện tài năng xếp hình.

Những quả cầu gai xếp bằng giấy màu của Sang được xếp trong khoảng 25-30 phút tùy theo quả lớn, bé. Và Sang xếp thêm các chú rồng để đa dạng mặt hàng. Sang bán được vài quả cầu, theo mức giá quả cầu nhỏ giá 4.000 đồng, sau đành phải tăng lên 5.000 đồng và quả cầu lớn giá 7.000 đồng. Chưa hết hàng nhưng Anh Sang đã “lãi” 19.000 đồng, thừa để trả vốn cho ba.

Dành cho con những bài học thú vị

Các ông bố, bà mẹ mồ hôi nhễ nhại, làm phụ tá cho con trong hội chợ “thương gia nhí” lần đầu tổ chức ở Bảo tàng Đà Nẵng có chung suy nghĩ là hỗ trợ hết mình cho sự sáng tạo của con. Và trên hết, là mong con tự tin, mạnh dạn giao tiếp.

Ba của Anh Sang tâm sự: Tôi thích cho cháu khám phá thế giới xung quanh, động viên cháu làm các món đồ thủ công. Mẹ của cháu thường xuyên dắt Sang đi chơi, đi thăm thú các nơi, cho cháu học cách giao tiếp với bạn bè cũng như người lớn tuổi.

Chị Thu Vân, mẹ của Hoài Thương nghĩ rằng những chuyến đi có sự trải nghiệm như hôm nay sẽ giúp con có nhiều kỹ năng sống, ra đời sẽ tự tin hơn. Chị khuyến khích con nói về mình, chia sẻ những suy nghĩ của riêng con và Hoài Thương nói một câu rất chín chắn so với vẻ rụt rè của em, là những giỏ hoa bán được sẽ bán, còn không để dành vào những dịp khác. Và, “tiền tiết kiệm được khi cần thiết sẽ dùng”.

Chị Hoàng Thị Hồng Đào, mẹ bé Nguyễn Hoàng Mai trong nhóm làm slime bảo: Mùa hè, nhóm các con không đi học thêm nên mình tranh thủ đưa con đi chơi, cho con tiếp xúc với nhiều người, giúp con tự tin hơn. Khi con thích con sẽ vui vẻ, hạnh phúc.

Anh Trần Văn Chuẩn, Trưởng phòng Giáo dục-truyền thông, Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, những chương trình như tập làm “thương gia nhí”, hay chương trình “tập làm thuyết minh viên” hai năm qua vừa giúp rèn luyện các kỹ năng mềm (nói trước đám đông, xử lý tình huống, kỹ năng thuyết trình, hướng dẫn…).

Bên cạnh đó, chương trình cũng mang tính định hướng nghề nghiệp cho các em trong tương lai (nghề thuyết minh viên bảo tàng, hướng dẫn du lịch, dẫn chương trình…). Những hoạt động đó vừa bảo đảm được vai trò của công tác giáo dục bảo tàng cũng như xu hướng phát triển trong các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho trẻ em tại các bảo tàng trong nước và trên thế giới.

HOÀNG NHUNG

Tin liên quan